Hiện nay, sau khi hoàn tất các thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp thường cần khắc con dấu mộc vuông và mộc tròn để sử dụng. Vậy con dấu tròn là gì? Con dấu vuông là gì? Chúng có điểm gì khác biệt gì về hình thức và ý nghĩa? Hãy cùng BaCom khám phá và giải đáp những vấn đề này thông qua bài viết dưới đây!
Mộc vuông là gì?
Để tìm hiểu về mộc vuông và mộc tròn chúng ta cần phải hiểu rõ từng loại mộc là gì trước. Đầu tiên là mộc vuông hay còn gọi là con dấu vuông. Con dấu vuông (hay mộc vuông) là con dấu được sử dụng bởi doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể, có thiết kế hình vuông và chứa các thông tin liên quan đến doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
Tùy thuộc vào từng loại con dấu, nó có thể có giá trị pháp lý hoặc không có. Hiện nay, có nhiều loại con dấu vuông khác nhau, bao gồm: con dấu chức danh, con dấu hộ kinh doanh, con dấu thông tin doanh nghiệp, con dấu logo, con dấu xác nhận, và con dấu hoàn công.
Mộc tròn là gì?
Tiếp theo đây sẽ là khái niệm định nghĩa về mộc tròn hay con dấu tròn. Dấu tròn công ty (hay mộc tròn công ty) là con dấu pháp nhân của doanh nghiệp, có thiết kế hình tròn. Con dấu này được sử dụng để xác nhận giá trị pháp lý của các giấy tờ và văn bản do doanh nghiệp phát hành, đồng thời giúp phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau.
>> Xem thêm: Dấu giáp lai là gì? Cách đóng dấu giáp lai chuẩn nhất
Sự khác biệt giữa mộc vuông và mộc tròn?
Để có thể phân biệt được giữa mộc vuông và mộc tròn thì việc hiểu định nghĩa thôi là chưa đủ. Bạn cần so sánh trực quan hai loại dấu vuông và dấu tròn dựa trên nhiều mặt về hình thức và ý nghĩa. Hãy tham khảo phần chia sẻ sau đây để hiểu rõ hơn về sự khác biệt của 2 loại mộc phổ biến này.
Về hình thức con dấu
Hình thức dấu mộc vuông và dấu mộc tròn được so sánh trực quan bên trong bảng so sánh sau đây.
Con dấu tròn | Con dấu vuông |
Hình dạng mặt con dấu hình tròn | Hình dạng mặt con dấu có thể là hình vuông hoặc hình chữ nhật |
Mực đóng dấu luôn là mực đỏ | Mực đóng dấu có thể là một trong hai màu xanh hoặc đỏ |
Nội dung con dấu tròn, con dấu vuông
Nội dung của con dấu cũng là một trong những yếu tố cho thấy sự khác biệt của mộc tròn và mộc vuông.
Nội dung của con dấu tròn công ty thường chứa những thông tin cơ bản và ngắn gọn về đơn vị doanh nghiệp, chẳng hạn như:
- Tên pháp lý trên giấy đăng ký công ty hoặc doanh nghiệp;
- Mã số thuế công ty (do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp);
- Loại hình doanh nghiệp, thường được viết tắt như C.T.C.P (công ty cổ phần), C.T.Y T.N.H.H (công ty TNHH) hoặc D.N.T.N (doanh nghiệp tư nhân);
- Địa phận quận, huyện, thị xã nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Tỉnh hoặc thành phố mà doanh nghiệp đang đặt trụ sở chính của họ tại đó.
Ngoài các thông tin cơ bản trên, doanh nghiệp có thể yêu cầu khắc thêm logo công ty hoặc các ký hiệu đặc trưng khác lên con dấu pháp nhân tùy theo nhu cầu.
Nội dung trên con dấu vuông có thể khác nhau tùy thuộc vào loại con dấu, cụ thể như sau:
- Con dấu thông tin công ty: Thường chứa đầy đủ những thông tin của công ty, như tên công ty, mã số thuế, địa chỉ cụ thể, và có thể bao gồm số điện thoại hoặc tên người liên hệ, tùy theo mục đích sử dụng của doanh nghiệp.
- Con dấu hộ kinh doanh: Thường chứa tên hộ kinh doanh (tên cửa hàng), số điện thoại và địa chỉ cụ thể của hộ kinh doanh.
- Con dấu chức danh: Con dấu này thể hiện chức vụ và họ tên của lãnh đạo trong công ty. Các chức danh quan trọng như giám đốc, tổng giám đốc, kế toán trưởng, hoặc các vị trí như nhân viên kinh doanh, trưởng phòng cũng thường sử dụng con dấu chức danh để thuận tiện trong công việc.
- Con dấu xác nhận: Thường được sử dụng trong các bộ phận như kế toán, kho, thu ngân với các nội dung xác nhận như đã thu tiền, đã thanh toán hay chưa thanh toán.
Tóm lại, nội dung con dấu vuông thường cung cấp thông tin chi tiết và đầy đủ hơn về doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh so với con dấu tròn công ty.
Giá trị pháp lý của dấu tròn, dấu vuông
Giá trị pháp lý cũng là một điểm tạo nên sự khác biệt lớn giữa mộc vuông và mộc tròn. Hầu hết tất cả chúng ta đều hiểu mộc tròn của công ty doanh nghiệp sẽ có giá trị pháp lý đầy đủ. Vậy mộc vuông thì sao? Hãy cùng tham khảo phần chia sẻ sau đây về giá trị pháp lý của mộc vuông.
Con dấu vuông của doanh nghiệp
Doanh nghiệp, với tư cách pháp nhân, có quyền toàn diện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 trong việc quyết định loại dấu, số lượng, nội dung và hình thức của con dấu cho doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc. Do đó, cả mộc vuông và mộc tròn của doanh nghiệp đều có giá trị pháp lý đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ những con dấu vuông được quy định trong điều lệ hoặc quyết định của công ty mới được công nhận có giá trị pháp lý. Các con dấu khác, như con dấu của nhân viên kinh doanh, trưởng phòng, hoặc văn thư, nếu được khắc và sử dụng bởi các phòng ban hoặc cá nhân trong công ty mà không có sự chấp thuận chính thức, sẽ không có giá trị pháp lý.
Con dấu vuông của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, do đó không được sử dụng con dấu pháp nhân như doanh nghiệp. Con dấu vuông của hộ kinh doanh cũng không có giá trị pháp lý.
Lưu ý quan trọng khi khắc và sử dụng dấu vuông và dấu tròn
Dưới đây là một số lưu ý khi tạo hay khắc và sử dụng mộc vuông và mộc tròn mà bạn cần phải biết được.
Cách đóng dấu tròn, dấu vuông
Khi sử dụng mộc vuông và mộc tròn để đóng lên các văn bản, chứng từ của doanh nghiệp, cần lưu ý những điểm sau.
- Dấu phải được đóng rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và đúng mực của con dấu.
- Khi đóng dấu lên chữ ký, con dấu phải trùm lên ít nhất 1/3 chữ ký về phía bên trái.
- Đối với dấu giáp lai trên văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, con dấu cần được đóng vào lề trái hoặc phải của văn bản, và phải được đóng trên tất cả các tờ của văn bản từ 2 tờ trở lên để đảm bảo thông tin về con dấu có mặt trên toàn bộ tài liệu.
- Khi đóng dấu treo, con dấu nên được đặt ở phía bên trái của trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề của văn bản.
Đối với các con dấu vuông không có giá trị pháp lý, cách thức đóng dấu và màu mực có thể được cá nhân tự quyết định.
Nội dung con dấu
Nội dung trên mộc vuông và mộc tròn của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cần lưu ý không sử dụng các từ ngữ, hình ảnh và biểu tượng sau.
- Hình ảnh lá cờ quốc kỳ Việt Nam, hình ảnh quốc huy hoặc lá cờ Đảng.
- Hình ảnh hoặc biểu tượng hay các tên riêng của cơ quan đoàn thể chính phủ nhà nước Việt Nam.
- Từ ngữ hoặc ký hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, lịch sử, văn hóa, hoặc đạo đức Việt Nam.
- Phải tuân thủ các quy định về bản quyền và pháp luật liên quan khi sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong nội dung hoặc hình thức mẫu dấu.
Qua bài viết trên chúng ta đã cùng tìm hiểu về hai loại mộc rất phổ biến đó là mộc tròn và vuông. Nhìn chung có thể thấy sử dụng mộc vuông và mộc tròn là rất cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Nếu bạn hay doanh nghiệp đang quan tâm hãy tham khảo dịch vụ khắc con dấu pháp nhân, dấu chức danh, dấu logo, và các loại dấu khác tại Bacom.